LÀM MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN RẤT DỄ ?
Nhu cầu mua bán, thuê mướn nhà để ở, để đầu tư và kinh doanh luôn rất cao. Vì lí do đó, nhiều bạn trẻ đã chọn hướng làm nghề môi giới bất động sản với hy vọng kiếm được khoản tiền hoa hồng hậu hĩnh từ việc môi giới nhà thành công. Vậy, công việc môi giới BĐS có thật sự trải đầy hoa hồng và có thể làm giàu ?
Môi giới Bất Động Sản là gì ?
Câu cửa miệng của mọi người khi thấy ai làm nghề môi giới BĐS là thằng "cò đất" với ý niệm khá tiêu cực với nghề này. Tôi còn nhớ khi quyết định bỏ công việc văn phòng máy lạnh để làm môi giới BĐS, tôi đã bị bạn bè và người thân kịch liệt phản đối. Thời điểm đó, mẹ tôi cũng rất ngại miệng khi mọi người hỏi thăm về nghề nghiệp của tôi.
Trong mắt moi người, nghề làm "cò" là một công việc không ổn định, long bong đầu đường xó chợ để đi săn nhà cho khách. Nhưng theo cách nào đó, nghề môi giới BĐS cũng là một nghề bán hàng như bao nhân viên thị trường khác.
Vậy nên, trước khi bước vào nghề làm "cò" bạn phải chuẩn bị tâm lý "không quan tâm đến lời bình" của người khác.
Ai cũng có thể làm môi giới bất động sản ?
Như tôi nói ở trên, nghề môi giới BĐS cũng là một nghề bán hàng. Nên nếu bạn có tư chất hướng ngoại thích giao tiếp, kiên trì và chịu khó thuyết phục khách hàng mua hàng thì bạn hoàn toàn có thể làm được.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trở thành môi giới "best seller". Nghề môi giới BĐS cũng cần bạn có duyên với nghề, hay nói theo dân dã là "gian bán hàng". Kiên trì, chịu khó thôi chưa đủ, bạn vẫn cần một chút may mắn mỉm cười với bạn.
Tôi xuất thân từ một nhân viên bán hàng thị trường, đến nhân viên bán hàng dự án. Tôi cũng đã trải qua nhiều khóa đào tạo về bán hàng, về việc tìm hiểu "insight" của khách hàng. Nhưng nhiều lúc tôi cũng bật ngửa khi khách hàng "bẻ cọc" vì lí do: "Chị chọn được căn khác đẹp hơn căn của em" !
Theo thống kê trên các diễn đàn bất động sản, số lượng môi giới vào nghề mỗi năm rất đông nhưng số lượng môi giới bỏ nghề cũng nhiều không kém.
Vậy nên, để có thể sống bền với nghề thì bạn cần chuẩn bị cho mình những điều sau:
Hành trang cho tân binh môi giới bất động sản ?
Điều đầu tiên đó là cảm hứng, nếu không hứng thú với nghề bạn sẽ khó lòng để đào sâu học hỏi và tìm cách khai phá năng lực của bản thân bạn. Cách tốt nhất để tìm thấy cảm hứng là hãy theo chân những môi giới thành công để học hỏi và được truyền cảm hứng nghề.
Điều thứ hai, bạn cần xác định những kiến thức chuyên môn về nghề môi giới. Việc này khá quan trọng để hành trình sự nghiệp của bạn bền bỉ hơn. Thật sự thì trong nhiều năm hành nghề, tôi vẫn gặp khá nhiều môi giới chưa trang bị đủ kiến thức nhưng vẫn có khả năng "chém gió" và "chốt sales" rất tài. Bạn có thể nói họ rất may mắn hoặc họ có "lối đi riêng". Tuy nhiên, bạn đừng để những vẻ hào nhoáng đó đánh lạc hướng quan điểm của bạn. Vì cuối cùng, giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng mới thể hiện năng lực thật sự của bạn. Tôi sẽ nói sâu hơn về góc cạnh này trong những bài "Tâm sự nghề môi giới bất động sản" sau.
Điều thứ ba, hãy tìm cho mình một công ty môi giới bất động sản để đầu quân. Khi mà bạn không biết nên bắt đầu tư đâu, thì tốt nhất là hãy vào làm việc cho một công ty đang ăn nên làm ra. Họ sẽ khai sáng cho bạn nên bắt đầu thế nào. Sau khi được trui rèn, bạn sẽ dần khám phá ra phân khúc sản phẩm nào mà bạn cảm thấy phù hợp nhất.
Làm giàu từ nghề môi giới bất động sản ?
Nghề nào cũng có thể giúp bạn làm giàu, nếu bạn "đủ": Tâm - Tầm - Trí - Tín. Và nghề môi giới BĐS cũng vậy, nếu bạn thuận buồm xuôi gió thì việc chuyển mình từ môi giới bất động sản thành nhà đầu tư BĐS là trong tầm tay.
Muốn làm giàu từ môi giới bất động sản không có mục tiêu nào khác là phải chốt thật nhiều "deal" và nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những sự cố không mong muốn xảy ra khi bạn đã chốt "deal" nhưng vẫn không có tiền. Tôi cũng sẽ nói nhiều hơn về những rủi ro này trong những bài về sau.
Có rất nhiều kỹ thuật để chốt deal, tuy nhiên bạn tốt nhất đừng nên bất chấp mọi thứ để chốt deal. Vì có thể sau mỗi thương vụ chiến thắng của bạn là sự đau khổ của khách hàng. Bạn vẫn muốn người ta nhớ đến bạn vì bạn đã giúp người ta thành công ? Hay nhờ bạn mà người ta tan nhà nát cửa ? Hãy chọn hướng đi đúng cho mình !
Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc qua những chia sẻ của tôi, tôi sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài chia sẻ về nghề môi giới BĐS từ những trải nghiệm thực tế của mình.